Theo thông lệ hàng năm vào ngày 24, 25 tháng Chạp, con cháu trong gia đình lại đi cúng viếng, sửa sang, tu bổ mộ phần của ông bà, cha mẹ hoặc những người thân đã khuất để chuẩn bị đón Tết.
Đối với người Việt, Tết Nguyên Đán là một dịp lễ rất quan trọng với ý nghĩa đặc biệt, đây là thời khắc để con cháu nhớ đến ông bà tổ tiên đã khuất và bày tỏ lòng thành kính của mình. Theo truyền thống tâm linh của người Việt, để một năm mới thuận buồm xuôi gió, gia đình sum vầy, làm ăn phát đạt mọi thứ trong gia đình đều phải được sửa sang tươm tất. Cho dù gia đình thuộc tính ngưỡng, tôn giáo nào, giàu hay nghèo, ở thành thị hay nông thôn nhà nhà đều phải sửa sang, quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ, ngăn nắp và sắm sửa những vật dụng mới cần thiết trong nhà, đặc biệt là bàn thờ tổ tiên phải được chưng bày mâm ngũ quả, bánh mứt,… ngay ngắn và đẹp mắt cầu mong rước ông bà về đoàn tụ, sum vầy cùng con cháu trong dịp Tết.
Lòng thành kính của con cháu dành cho ông bà tổ tiên
Mọi thứ trong nhà đều được chuẩn bị tươm tất, đầy đủ và con cháu không thể không nhớ đến việc cúng viếng ông bà, song thân hay còn gọi là tảo mộ được thực hiện vào những ngày trước Tết. Có thể nói, tảo mộ đã trở thành phong tục tập quán truyền thống của người Việt với câu tục ngữ “Cao ấm nấm mồ” thể hiện chữ hiếu đạo, lòng tôn kính của con cháu dành cho những người đã khuất. Việc tảo mộ diễn ra thông thường vào cuối năm, rầm rộ nhất vào ngày 20 đến ngày 25 tháng Chạp, ngoài ra cũng có nhiều nơi tiến hành tảo mộ vào những ngày đầu năm mới.
Tục tảo mộ cũng chính là dịp quan trọng để thắt chặt tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của những người trong cùng một dòng họ. Thông thường, mỗi dòng tộc sẽ thống nhất một ngày cụ thể để tiến hành tảo mộ. Vào ngày đó, anh em, con cháu trong gia đình sẽ cùng bắt tay mỗi người một việc để sửa sang, tu bổ lại mộ phần của người đã khuất cho trang hoàng, ấm áp hơn với quan niệm rước ông bà về ăn Tết cùng gia đình.
Tảo mộ cho những người thân đã khuất trước thềm năm mới
Người thì mang theo cuốc để phát hoang cây cỏ dại mọc xung quanh, vun đắp cho nấm mồ thêm đầy đặn, người thì mang theo nước sơn để sơn phết, trang hoàng lại mộ phần cho mới, tươm tất hơn,… Sau khi việc sửa sang mồ mả đã hoàn tất, mỗi ngôi mộ sẽ được thắp thêm nén hương, đặt một bó hoa hoặc một mâm cỗ với lòng thành kính khấn vái mời ông bà tổ tiên về sum họp ăn Tết cùng gia đình.
Ở thôn quê, cứ vào những ngày Tết sắp đến, nhìn những hình ảnh ở các khu nghĩa trang nườm nợp người đến cúng viếng, sửa sang, thắp hương cho ông bà tổ tiên làm lòng mỗi người cảm thấy ấm lại, thổn thức và ta bỗng nhớ đến câu thơ “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Dù phải bươn chải, mưu sinh ở bất kỳ nơi đâu, nhưng vào những ngày này, mọi người đều nhớ đến và tìm về bên ông bà tổ tiên của mình.
Với người dân thành thị, dù phải tất bật với biết bao công việc bộn bề xung quanh nhưng mỗi người luôn giành ra một quỹ thời gian riêng đi cúng viếng, chăm sóc mộ phần cho ông bà, song thân để thể hiện lòng hiếu đạo. Hiện nay, hầu hết các gia đình ở các trung tâm thành phố đều chọn các công viên nghĩa trang hiện đại làm nơi an nghỉ cho những người thân của mình. Được an nghỉ ở nơi thanh tịnh, có nhân viên bảo trì, chăm sóc mộ phần cùng dọn dẹp vệ sinh khu mộ, thắp hương nhan khói thường xuyên vào những dịp lễ tết nên việc tảo mộ của những gia đình này diễn ra khá đơn giản hơn.
Các mộ phần tại công viên nghĩa trang luôn sạch sẽ, tươm tất quanh năm
Thông thường họ chuẩn bị một mâm cỗ để cúng ông bà tổ tiên. Đây là dịp để con cháu giãi bày những điều đã xảy ra với gia đình trong một năm qua, cầu mong ông bà, song thân phù hộ, độ phúc bình an cho gia đình và khấn mong những người đã khuất về sum họp, ăn Tết cùng con cháu.
Theo thời gian, tảo mộ là một phong tục đẹp của người Việt Nam với nhiều ý nghĩa sâu sắc như thể hiện truyền thống hiếu đạo của con cháu dành cho ông bà tổ tiên, đồng thời là sợi dây xâu chuỗi những kỷ niệm đẹp giữa con người của hai thế giới “âm-dương” và góp phần mang con người ở hiện tại xích lại gần nhau hơn. Với những ý nghĩa tốt đẹp, lễ cúng viếng tổ tiên vào những dịp lễ Tết cần được giữ gìn và phát huy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét